Những chú cá La Hán với vẻ ngoài sặc sỡ, vô cùng độc đáo hẳn thu hút rất nhiều người. Bạn đang muốn sở hữu các chú cá này nhưng không rõ cách chăm sóc. Cùng Nuoicacanh.net khám phá cách nuôi cá La Hán chuẩn khoa học, đảm bảo hiệu quả.
1. Tổng quát về cá La Hán
1.1. Nguồn gốc xuất xứ
Cá La Hán với tên tiếng anh là Flowerhorn thuộc họ cá rô phi. Chúng lần đầu được biết đến vào những năm 1990 tại thị trường cánh cảnh Malaysia. Chúng được tạo ra nhờ sự tò mò muốn khám phá bí quyết lai tạo cá Hồng két của Đài Loan. Người ta đã kết hợp một số loài thuần chủng của châu Mỹ với cá Hồng két để tạo ra loại cá này.
Những năm sau đó, ngày càng nhiều người ưa chuộng chọn nuôi cá La Hán. Với ngoại hình độc đáo, màu sắc sặc sỡ, những chú cá này trở nên nổi tiếng ở Châu Á… và một số nước Châu u, Châu Mỹ.
1.2. Đặc điểm nổi bật
Cá La Hán có kích thước dài 25 đến 30cm với màu sặc vô cùng nổi bật, bắt mắt. Điều đặc biệt là bạn sẽ không tìm thấy hai chú cá La Hán có màu sắc giống hệt nhau. Bởi màu sắc của chúng được sắp xếp một cách ngẫu nhiên. Cá có rất nhiều màu như: đỏ hồng, ánh xanh, ánh bạc, đen xám, đen đậm, ngũ sắc…
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của cá chính là phần đầu gù. Phần này càng to thì con cá càng có giá trị. Nhiều người còn liên tưởng đây giống như trán của một ông tiên. Chính đặc điểm này đã cuốn hút ngày càng nhiều người chọn nuôi cá La Hán.
1.3. Phân loại cá La Hán
Cá La Hán kim cương: Hay có tên gọi khác là cá La Hán Phúc Lộc Thọ, được lai tạo từ cá Châu Kim Cương với cá rồng xanh. Những chú cá này có thân hình tròn, chắc khỏe. Hàng vảy châu rõ nét được trải dài từ mang cá xuống tận đuôi cá.
Cá La Hán Thái đỏ: Đây là những chú cá được lai tạo ở Thái Lan. Những chú cá Thái lan này có màu sắc vô cùng sặc sỡ. Tuy nhiên, phần đầu gù của chúng tương đối nhỏ, hầu hết con đực đều bị vô sinh.
Cá La Hán Thái silk: Dòng cá này có vảy màu bạc hoặc ánh xanh phủ kín thân. Tuy nhiên, phần đầu gù cũng chúng cũng khá nhỏ và kích thước của chúng cũng có phần nhỏ hơn. Chúng được ưa chuộng bởi màu sắc độc lạ, sang trọng.
Xem thêm: Tất tần tật về cách nuôi cá Koi Nhật Bản chuẩn khoa học, lên màu cực đẹp
2. Cách nuôi cá La Hán tại nhà
2.1. Thức ăn cho cá La Hán
Cá La Hán là dòng cá tương đối dễ ăn. Chúng có thể ăn những loại thức ăn mà các loại cá cảnh khác ăn được từ thức ăn dạng viên. Bạn cũng nên bổ sung các loại thức ăn tươi sống như trùn chỉ, loăng quăng, tôm tép, cá con, thịt bò,…. Loại thức ăn này sẽ chứa đầy đủ chất dinh dưỡng và định lượng khẩu phần ăn của cá.
Đối với cá La Hán con thì các bạn nên cho chúng ăn thức ăn artemia. Sau khoảng 1 tuần nuôi dưỡng bằng artemia các bạn có thể cho chúng ăn thức ăn khô và các loại thức ăn tươi dành cho cá trưởng thành.
Tuy là một loại cá háu ăn nhưng bạn cũng phải cho cá ăn một cách điều độ, tránh cho chúng ăn quá nhiều. Mỗi ngày nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ chứ không cho ăn quá no mỗi bữa. Ngoài lượng ăn các bạn cũng nên tập cho chúng ăn theo giờ cố định. Như vậy, cá sẽ có khoảng thời gian sinh hoạt điều độ và phát triển tốt cũng như tăng được kích thước cỡ gù ở đầu.
2.2. Chuẩn bị bể và nguồn nước khi nuôi cá La Hán
Cá La Hán có kích thước tương đối lớn, cá trưởng thành có chiều dài hơn 20cm. Chúng có tập tính bảo vệ lãnh thổ cao, vì vậy không nên nuôi chung với các giống cá nhỏ khác.
Ngoài ra, kích thước bể nuôi có ảnh hưởng lớn đến tốc độ lớn và hình thể của cá. Bể có chiều dài tối thiểu là 1m, để không ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng.
Giống cá này thích hợp nuôi trong môi trường nước trung tính hoặc hơi chua. Độ pH phù hợp là pH 6,5 – 7,2, nhiệt độ là từ 25 đến 30 độ C.
Chất lượng nước là yếu tố hàng đầu cần lưu ý khi nuôi giống cá này. Cá la hán không cần quá khắt khe trong việc đảm bảo chất lượng nước. Tuy nhiên, bạn không nên để thức ăn thừa quá nhiều, có thể gây ô nhiễm nước.
Để đảm bảo nước sạch sẽ, bạn nên thay nước đúng định kỳ. Bạn cũng có thể mua các thiết bị lọc nước hay đo độ pH để điều chỉnh kịp thời.
Bạn cũng có thể thêm 1 chút sỏi trắng hay cây thủy sinh vào bể cá. Điều này không chỉ giúp tăng tính thẩm mỹ, mà còn giúp cá thoải mái hơn.
3. Ánh sáng khi nuôi cá La Hán
Ánh sáng là vô cùng cần thiết và cần lưu tâm khi bạn nuôi cá La Hán. những chú cá này thường được nuôi trong bể ngoài trời. Ánh nắng mặt trời chiếu liên tục khiến cá La Hán phát triển khỏe mạnh, màu sắc rực rỡ. Vì vậy khi nuôi chúng trong nhà cần chú ý chiếu sáng cho chúng.
Nếu không được chiếu sáng, màu sắc của cá sẽ trở nên nhợt nhạt và thiếu sức sống. Thời gian chiếu sáng nên kéo dài khoảng 10 tiếng mỗi ngày, giúp cá La Hán có được trạng thái tốt nhất.
4. Cách kích thích mọc gù trên đầu khi nuôi cá La Hán
– Cho cá đực gần gũi với cá cái: Khi đó, các chú cá này sẽ nảy sinh một loại hormon đặc biệt. Loại hormon này giúp gù trên đầu cá to hơn.
– Kích thích bản tính hung dữ của cá La Hán: Bạn có thể gắn 1 chiếc gương ở bể nuôi cá. Khi những chú cá La Hán thấy mình trong gương sẽ tưởng nhầm thành đối thủ của chúng. Điều này cũng sẽ giúp chúng phát ra những hormon kích thích tăng trưởng phần gù đầu. Tuy nhiên, phương thức này chỉ nên làm trong khoảng 1 – 2 tiếng, nếu thời gian lâu sẽ khiến những chú cá của các bạn bị mệt mỏi và bị thương.
Trên đây là những chia sẻ của Nuoicacanh.net về cách nuôi cá La Hán chuẩn từ khoa học và phù hợp cho người mới bắt đầu. Cảm ơn quý độc giả luôn ủng hộ chúng tôi. Chúc bạn có được những chú cá La Hán thật khỏe mạnh và độc đáo.