Giống cá Ranchu gây ấn tượng với vẻ đẹp độc lạ so với hầu hết giống cá vàng. Nhưng, bạn cần lưu ý những điều sau đây để tránh nhầm lẫn trong quá trình chọn giống và chăm sóc giống cá cảnh này.
Cá vàng Ranchu, tên Việt Nam là cá vàng Lan thọ (tên tiếng Anh là Buffalo Head Goldfish) thuộc dòng cá vàng có nguồn gốc tại Nhật Bản. Những năm gần đây, dù ở Nhật Bản hay tại Việt Nam, vẻ đẹp hiếm có của Ranchu luôn khiến người chơi cá cảnh xôn xao. Và người ta xem Ranchu như là “Vua của các loại cá vàng”.
Cá vàng Lan thọ ra đời là kết quả của quá trình nhân giống chép từ loài cá đầu sư tử của Trung Quốc – một giống cá vàng đẹp, nổi bật với cái đầu to. Màu sắc phổ biến của giống cá Ranchu: Toàn thân và đuôi có màu đỏ đậm; toàn thân và đuôi có màu cam ửng đỏ; hai màu đỏ và trắng; vảy đỏ viền trắng và trắng.
Nhưng, chúng ta phân biệt được cá Ranchu nhờ những đặc điểm nào? Chăm sóc giống cá này có khó khăn gì không? Phần dưới đây, bài viết sẽ giải đáp giúp bạn những câu hỏi này nhé.
Đặc điểm nhận dạng cá Ranchu
Cá Ranchu rất thích hợp với hồ nuôi ngoài trời, bạn sẽ bị thu hút bởi vẻ đẹp của chúng khi quan sát từ trên xuống. Cá Ranchu thường sẽ có đặc điểm như:
Kích thước trung bình của dòng cá vàng Lan thọ trưởng thành là từ 12 – 15cm, kích thước cực đại lên tới 25 – 35cm. Nhưng hầu hết cá nuôi cảnh khó đạt được kích thước cực đại của chúng.
Cá Ranchu không có vây lưng; vây ngực và vây bụng ngắn, tròn tương ứng với đuôi; mắt to, sọ to, mắt cân đối không lệch quá sang hai bên. Nhìn chung phần đầu, thân và đuôi cá có sự cân xứng. Cụ thể:
Phần đầu: Khi nhìn xuống, đầu cá Ranchu có độ góc cạnh nhất định. Đặc trưng của giống cá này, vùng trên đầu, mặt và nắp mang có những bướu nhỏ nổi lên một cách đều đặn. Bướu trên cả 3 vùng này cần phát triển đều và cân xứng.
Phần lưng: Cá Ranchu có phần lưng cực kỳ độc đáo. Khi lưng cá hơi cong ở phần trước gốc đuôi và cụp vào ở phần gốc đuôi. Bạn có thể tưởng tượng độ cong tựa như dáng nằm của một con tôm vậy. Thân hình của cá ngắn, tròn và không có vây lưng.
Phần đuôi: Vây đuôi cá Ranchu mở rộng với phần thùy đuôi nằm thấp, đôi khi gần như phương nằm ngang. Ranchu có thể có 3 đuôi, 4 đuôi hoặc đuôi dạng hoa anh đào. Gốc đuôi to là đặc điểm độc đáo của giống cá Ranchu.
Chúng sống ở mọi tầng nước.
Chọn giống
Cách chọn giống tốt nhất, bạn vẫn nên chọn mua tại các cơ sở cá uy tín, được nhìn tận mắt môi trường sống theo đàn, bố mẹ cá. Ngoài ra, còn một số điểm bạn nên lưu ý khi chọn giống cá Ranchu làm cảnh:
Bạn cần quan sát kỹ qua sự chuyển động của cá. Chọn cá khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không có vết xây sát.
Trên thân mình cá không có dấu hiệu mắc các bệnh lây truyền: nấm da, lở mồm…
Thân hình cá cân đối, các bướu phát triển đồng đều, không dị tật bất thường
Chọn bể nuôi cá
Cá Ranchu có thể được nuôi ở hồ ngoài trời hoặc trong nhà, điều tất yếu là có đủ không gian sống cho cá (110l nước/con). Tuổi thọ của giống cá này lên đến 20 năm. Nhưng không gian giống ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cá.
Hồ, bể nuôi Ranchu bạn có thể thiết kế phối hợp với sỏi và gỗ, cây thủy sinh hoặc rễ cây.
Cá Ranchu bài tiết rất nhiều, bởi vậy nếu nuôi cá trong không gian nhỏ, đầu tư một thiết bị lọc nước là điều cần thiết. Nếu không bạn sẽ rất vất vả trong việc bảo đảm môi trường sống sạch sẽ cho cá.
Thức ăn
Thức ăn cho cá Ranchu có nhiều loại khác nhau như dạng viên, dạng mảnh. Đặc biệt, dạng viên chìm chậm rất tốt bởi cá trên bề mặt nước hay đáy bể đều có thể ăn được. Lượng thức ăn của cá Ranchu nên thay đổi theo nhiệt độ trong mùa.
Ranchu hầu như ăn tất cả mọi thứ. Bởi vậy, bạn cần thay đổi khẩu phần ăn, đa dạng thức ăn cho cá nhằm đảm bảo chất dinh dưỡng cần thiết giúp cá phát triển bình thường.
Sự kết hợp quen thuộc: Thức ăn khô dạng viên đan xen với thức ăn tươi, đông lạnh. Ngoài ra, cần bổ sung rau xanh vào khẩu phần ăn của cá: dưa leo, rau diếp hay bí xanh.
Thời lượng cho cá ăn hợp lý là 3 phút. Đối với những con cá Ranchu còn nhỏ, đang phát triển bạn cần chia nhỏ làm 2-3 lần/ngày. Còn với cá trưởng thành chỉ ăn một lần/ngày. Không phải lý do hệ tiêu hóa của giống cá Ranchu kém, việc bỏ quá nhiều lượng thức ăn sẽ khiến giảm lượng khí trong nước hay ô nhiễm nước. Là một trong những nguyên nhân làm cá chết.
Cách nuôi
Nhiệt độ, độ PH: Cá sống tốt trong khoảng 18 -23 độ C, chúng có thể chịu được sự chiếu sáng cao. Chất lượng nước nên duy trì độ PH từ 6,5 – 7,5 và dH 4 – 20.
Cách thay nước: Cá sẽ khỏe mạnh và phát triển tốt nếu được sống trong môi trường nước sạch sẽ và không có mầm bệnh. Bạn cần chú ý thay nước, vệ sinh bể cá thường xuyên. Nhất là không gian sống hẹp, rất nhanh bẩn. Tần suất thay nước hợp lý là 6 lần/tuần. Mỗi lần thay chỉ thay 1/4 lượng nước trong bể, cá kịp thích nghi với môi trường sống mới.
Cá mới: Cá mua về bạn không nên thả ngay và bể nuôi chung cùng cá cũ. Nên để cá sống ở khu vực riêng trong một tuần, theo dõi tình hình sức khỏe, phát hiện mầm mống bệnh lây nhiễm. Nếu sau một tuần, cá hoàn toàn khỏe mạnh, bạn thả cá vào bể nuôi chung.
Chăm sóc cá bệnh
Cá Ranchu cũng là loại cá nhạy cảm với các mầm bệnh: nấm, thối mang thối vây, bệnh trùng leo mỏ, trùng bánh xe… Lưu ý, bạn cần thường xuyên theo dõi để phát hiện ra những thay đổi trong chuyển động, ánh mắt cá.
Hầu hết bệnh ở loài cá Ran chu có thể chữa trị bằng thuốc. Điều trước tiên, bạn cách ly con cá bị bệnh sang khu vực khác để tránh lây bệnh sang những con cá còn lại. Trước khi cho thuốc vào bể, bạn cần hòa thuốc với một cốc nước rồi từ từ đổ vào bể.
Tốt nhất, bạn nên phòng bệnh trước cho cá bằng cách: Giữ môi trường nước luôn sạch sẽ, tránh các mầm bệnh xuất phát từ việc ô nhiễm nguồn nước gây nên. Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, đủ chất đạm, chất xơ và chất béo giúp cá tăng sức đề kháng với các mầm bệnh ở mức độ nhẹ.
Thuốc: Xanh menthylen là loại thuốc tốt nhất để phòng cũng như chữa bệnh cho cá.
Nuôi dòng cá cảnh nào cũng cần sự theo dõi, quan sát thường xuyên. Chăm sóc càng tốt, cá càng khỏe mạnh và cá càng đẹp hơn.
Chúc bạn thành công trong việc chăm sóc giống cá Ranchu (cá vàng Lan thọ) này nhé.